Trân Huyền

Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố tiếp giáp với biển và hơn 20 triệu người Việt Nam có cuộc sống gắn với biển. Biển không chỉ cung cấp sinh kế mà còn ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của cư dân duyên hải. Những tín ngưỡng, lễ nghi, hội hè mang dấu ấn của biển được hình thành và kế thừa bởi biết bao thế hệ cư dân cộng sinh với biển.

Lễ Cầu Ngư ở tỉnh Quảng Bình

Lễ Cầu Ngư hiện diện hầu khắp trong các cộng đồng dân cư ven biển miền Trung, là một nghi lễ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “cầu lành tránh dữ” của những cư dân mưu sinh nhờ biển. Đó là lễ tạ ơn, thần Biển, thần Nam Hải (cá Ông/cá voi) và đấng “khuất mặt khuất mày” đã phù hộ, độ trì cho ngư dân có những mùa vụ bội thu và bảo toàn được sinh mệnh.

Từ một nghi lễ thể hiện sự thành kính, biết ơn của ngư dân với thần Biển và cá Ông, vị Phúc thần trong hệ thống thần linh mà người dân miền biển kính vọng, Lễ Cầu ngư đã trở thành sinh hoạt văn hóa quan trọng, và cũng là lời hiệu triệu xuất quân cho một mùa vụ đánh bắt mới của ngư dân duyên hải miền Trung.

Từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Lễ Cầu Ngư thường tổ chức 3 năm 1 lần, từ sau Tết Nguyên đán, trải đến tháng 5 âm lịch. Lễ Cầu Ngư thường tổ chức ở đình làng hoặc lăng miếu thờ ông Ngư (cá Ông). 3 ngày trước chính lễ, dân chài đã lập hương án trên bãi biển, tổ chức lễ vọng để mời chư vị thần linh về dự Lễ Cầu ngư.

Chính lễ diễn ra sau đó ở trong đình làng hay ở miếu thờ ông Ngư với nhiều nghi lễ trang trọng do các vị bô lão đảm trách, kéo dài từ 3 giờ sáng (chính tế) cho đến 5 giờ chiều (lễ tạ). Từ 7 giờ tối đến 9 giờ đêm là thời gian dành cho các sinh hoạt văn nghệ như hò bả trạo, hò đưa linh, hát chầu văn…

Vị bô lão làng chài trong lễ cúng tế thần linh

Ở xã Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) và ở xã Hải Dương (Hương Trà, Thừa Thiên Huế) vào sáng ngày thứ 2 của Lễ Cầu ngư, ngay sau chính tế có tục “diễn trò bủa lưới” rất vui nhộn. Người ta làm mô hình thuyền đi biển, cử các tráng đinh “rước” thuyền chạy quanh “vùng biển” (là khoảnh sân trước đình làng hay miếu thờ cá Ông). Trên thuyền có vài ngư phủ tung bánh kẹo, tiền lẻ (là mồi của các loài thủy sinh) xuống “biển”. Một nhóm trẻ nhỏ hóa trang thành các loài cá, tôm, mực… “lượn lờ” xung quanh thuyền của ngư phủ để “ăn mồi” (nhặt bánh kẹo, tiền lẻ). Ngư phủ trên thuyền dần khép chặt vòng vây và tung chài bắt “cá”. Có đám trẻ bị lưới chài bắt gọn, bị kéo lên thuyền, giao cho bô lão dân cúng trên bàn thờ như là “lễ vật” tạ ơn thần linh; có đám trẻ được giao cho các mẹ, các chị gánh đi bán, gọi là “trò ruỗi bộ” (là bán cá trên đường); có đứa thoát khỏi lưới vây, tỏa ra xa, tiếp tục “bơi lượn” giữa “biển khơi”.

Từ Đà Nẵng trở vào tới Khánh Hòa, tục “diễn trò bủa lưới” vắng dần, thay vào đó là hình thức diễn xướng có tên là bả trạo. Theo diễn giải của dân địa phương, bả là “nắm chắc”, trạo là “tay chèo”. Bả trạo nghĩa là “nắm chắc tay chèo” ở giữa biển khơi, chính là tâm nguyện của cư dân miền biển.

Mô hình cá Ông được cúng tế trong Lễ Cầu Ngư

Hò (hát) bả trạo, còn được gọi là chèo bả trạochèo đưa linhhò hầu linh… là loại hình diễn xướng dân gian mang đậm tính nghi lễ của cư dân miền Trung, nhằm cầu cho quốc thái dân an, trời yên biển lặng, mùa vụ bội thu; mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi, đề cao tinh thần đoàn kết của bạn nghề; ca ngợi giàu có của biển cả. Hò bả trạo còn là lời bày tỏ sự tôn kính, lòng biết ơn của ngư dân đối với cá Ông, loài cá nhân từ thường giúp họ vượt qua tai ương trên biển. Hò bả trạo cũng là điệu hò tiễn đưa những linh hồn đã vong mạng “bất đắc kỳ tử” khi bám biển mưu sinh.

Một đội hò bả trạo có từ 12 – 18 con trạo chia làm hai bên, ở giữa đội hình là 3 người quan trọng: tổng mũi là người hát chính, mặc trang phục gần giống với diễn viên hát tuồng; tổng khoang là người lo việc hậu cần, mặc trang phục sặc sỡ, tay cầm cần câu và gàu tát nước, thường hát những câu hài hước, dí dỏm; tổng lái đứng hàng giữa cuối cùng, tay cầm dầm chèo; con trạo là những người còn lại, đảm nhận vai trò chèo thuyền. Đội hò bả trạo vừa hát hò, vừa làm các động tác như chèo thuyền, tát nước… lại vừa thực hành các nghi thức cúng bái. Ngoài ra, trong Lễ Cầu ngư còn có những hoạt động thể thao như: đua ghe, thi bơ, thi lặn, thi bơi thuyền thúng, đá bóng trên bãi biển… làm cho lễ hội thêm rộn ràng.

Đoàn rước nghinh thần trong Lễ Cầu Ngư

Lễ Cầu Ngư với những hình thức diễn xướng dân gian thấm đẫm “hồn biển” như đua thuyền, diễn trò bủa lưới, hò bả trạo… là di sản văn hóa đặc sắc mà cư dân duyên hải miền Trung đã thực hành và trao truyền cho hậu thế từ bao đời nay.