Tạp chí Heritage tổng hợp

Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu hành chính có giá trị về mặt nội dung và lịch sử. Châu bản chứa đựng một lượng thông tin lớn, phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, kinh tế và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Đây được xem là nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu và biên soạn chính sử.

Vậy Châu bản có vai trò như thế nào qua từng thời đại? Cùng Tạp chí Heritage tìm hiểu về Châu bản triều Nguyễn và cách bảo tồn khối tư liệu  quý này trong bài viết sau đây. 

chau-ban-trieu-nguyen-duoc-vinh-danh-di-san-tu-lieu-the-gioi-heritage

Châu bản triều Nguyễn được vinh danh di sản tư liệu thế giới
(Nguồn: Triển lãm Vì hạnh phúc mỗi người)

1. Châu bản triều Nguyễn là gì?

Để hiểu rõ vì sao Châu bản triều Nguyễn được gọi là di sản tư liệu, hãy cùng tìm hiểu xem di sản tư liệu là gì trước nhất nhé. Được định nghĩa trong Chương trình Ký ức thế giới bởi UNESCO khởi xướng từ năm 1992, Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu có giá trị lịch sử, ghi nhận văn hóa, tiến trình phát triển của xã hội, thông qua hình thức phim ảnh, băng ghi âm hay bút tích.

Đây là loại hình tài liệu được viết bằng chữ Hán, Nôm, Pháp và chữ Quốc ngữ, tập hợp các văn bản hành chính hình thành trong quá trình quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802 – 1945). Nội dung Châu bản phản ánh đầy đủ, toàn diện các hoạt động kinh tế, chính trị, quân sự và xã hội dưới thời nhà Nguyễn.

vua-khai-dinh-dang-phe-duyet-tau-chuong-heritage

Vua Khải Định đang phê duyệt tấu chương
(Nguồn: Ảnh tư liệu)

Châu bản là tài liệu gốc và duy nhất, có bút tích phê duyệt bằng mực son đỏ của các vị vua triều Nguyễn. Đây là khối di sản tư liệu cực kỳ quý hiếm, bao gồm văn kiện ngoại giao, văn bản do Hoàng đế ban hành và văn bản do các cơ quan thuộc hệ thống chính quyền đệ trình lên để Hoàng đế phê duyệt. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn chính thức được liệt vào danh sách Di sản tư liệu thế giới do Ủy ban UNESCO Chương trình Ký ức thế giới công bố.

2. Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn gồm những gì?

Loại hình văn bản sử dụng trong Châu bản triều Nguyễn rất đa dạng. Theo thống kê, Châu bản có hơn 20 loại phục vụ cho từng nội dung công việc và đối tượng khác nhau. Trong đó, những văn bản được sử dụng phổ biến nhất là:

  • Chiếu, Dụ và Chỉ: là văn bản hành chính dành riêng cho nhà vua. Đây là loại hình văn bản mang tính pháp quy, được dùng để công bố chủ trương, mệnh lệnh, quyết sách hay chỉ thị cho dân chúng được biết.
  • Tấu: là văn bản do các Bộ, Nha ở trung ương và địa phương đệ trình lên Hoàng đế, tâu bày các vấn đề diễn ra trong quá trình thực hiện chức trách của mình.

chau-phe-cua-vua-minh-mang-tren-ban-tau-mo-phu-dao-song-vinh-dien-nam-1825-heritage

Châu phê của vua Minh Mạng trên bản tấu mộ phu đào sông Vĩnh Điện năm 1825
(Nguồn: Triển lãm Vì hạnh phúc mỗi người)

  • Khải, Bẩm: là các loại hình di sản tư liệu được soạn thảo bởi bầy tôi, thần dân trình cho Nha, Bộ xin tấu lên nhà vua.
  • Tư trình, Phúc trình, Thông tri, Phiến lục: đây là các văn bản được dùng để trao đổi, giải quyết, phúc đáp công việc giữa các cấp với nhau hoặc công văn nha môn gửi cho cơ quan cấp dưới.
  • Phiếu nghĩ: là văn bản phản hồi của Bộ, Nha hoặc Nội Các sau khi tiếp nhận yêu cầu giải quyết công việc của các nha môn và địa phương.

Bút phê trên Châu bản được chia thành 6 loại là Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ và Châu cải. 

3. Vai trò của Châu bản triều Nguyễn qua các triều đại

Toàn khối di sản tư liệu Việt Nam – Châu bản Triều Nguyễn có tổng cộng 773 tập, tương đương với khoảng 85.000 văn bản. Vai trò của Châu bản sẽ có đôi chút khác biệt theo từng đời vua, từ đó có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về lịch sử, chính trị và ngoại giao qua mỗi thời kỳ.

Nội dung Châu bản của vua Gia Long phần lớn liên quan đến việc kê khai dân số của trường duyệt tuyển địa phương. Điều này cho thấy vua đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng quân đội. Trong khi đó, bút phê của triều Minh Mạng lại chú trọng đến các chính sách khuyến nông, phát triển kinh tế nông nghiệp.

chau-phe-cua-vua-minh-mang-ve-viec-sua-sang-de-dieu-nam-1830-heritage

Châu phê của vua Minh Mạng về việc sửa sang đê điều năm 1830
(Nguồn: Triển lãm Vì hạnh phúc mỗi người)

Châu bản của các vị vua tiếp nối đa dạng hơn với các nội dung về chính trị, kinh tế, quân sự, tư tưởng, văn hóa, phong tục tập quán… Vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng ngự phê Châu bản bằng cả 3 loại văn tự là Việt, Hán, Pháp, chủ yếu là các vấn đề ngoại giao, tế lễ, kinh tế và thưởng phạt cho quan lại.

4. Cơ sở pháp lý và giá trị nổi bật của Châu bản Triều Nguyễn

Giá trị di sản tư liệu quan trọng về mặt lịch sử và nội dung. Châu bản triều Nguyễn cung cấp những thông tin quý giá, phản ánh chân thực đời sống kinh tế, xã hội và con người Việt Nam lúc bấy giờ.

di-san-tu-lieu-chau-ban-trieu-nguyen-co-gia-tri-ve-mat-lich-su-can-duoc-bao-ton-heritage

Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn có giá trị về mặt lịch sử, cần được bảo tồn
(Nguồn: Báo Công An Nhân Dân)

  • Độ xác thực của Châu bản triều Nguyễn

Với mục đích phục vụ công tác quản lý xã hội, các thông tin, sự kiện được ghi chép trong Châu bản đều có tính xác thực rất cao. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để biên soạn nên các bộ sử và sách điển lệ chính thống như: Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu, Hà đê bộ văn tập…

  • Châu bản triều Nguyễn là tư liệu mang ý nghĩa quốc tế

Châu bản lưu giữ bút tích do vua Nguyễn trực tiếp ngự phê, dùng cả 4 loại chữ là Hán, Nôm, Pháp và Quốc ngữ. Hệ thống chữ trên Châu bản cho thấy sự biến chuyển trong sử dụng ngôn ngữ tại Việt Nam từ đầu thế kỷ đến giữa thế kỷ 20.

chau-ban-trieu-nguyen-mang-y-nghia-quoc-te-heritage

Châu bản triều Nguyễn mang ý nghĩa quốc tế
(Nguồn: Quê hương online)

Đây cũng chính là sự chuyển biến trong hệ tư tưởng xã hội, thể hiện tác động của quốc gia đi xâm chiếm với các nước thuộc địa. Bên cạnh đó, Châu bản triều Nguyễn còn phản ánh hoạt động giao thương của nước ta với các nước trong khu vực và thế giới.

  • Giá trị và mức độ quý hiếm của Châu bản triều Nguyễn

Tính quý hiếm là một trong những giá trị lớn nhất của loại di sản tư liệu này. Đây là khối tư liệu gốc duy nhất của Việt Nam và rất hiếm có trên thế giới. Châu bản có bút tích của nhà vua, tường thuật chi tiết các vấn đề liên quan đến đất nước. Do đó, chúng là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về hành chính học, gia phả học, văn bản học, ấn chương học…

19-chau-ban-the-hien-chu-quyen-viet-nam-tren-cac-quan-dao-hoang-sa-va-truong-sa-heritage

19 Châu bản thể hiện chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
(Nguồn: PetroTimes)

5. Hành trình bảo tồn tư liệu quý ở Việt Nam

Năm 2017, trong khuôn khổ Chương trình Ký ức thế giới, Châu bản triều Nguyễn chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Trước đó, khối tư liệu quý này đã phải trải qua một quá trình thiên di kéo dài, đi cùng với những biến động và thăng trầm của đất nước.

Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
(Nguồn: Báo Công An Nhân Dân)

Năm 1942, Châu bản được chuyển từ Nội Các về Viện Văn hóa Huế để lưu trữ rồi đưa sang bảo quản ở Viện Đại học Huế vào năm 1959. Năm 1961, toàn bộ tư liệu được di chuyển lên Đà Lạt, sau đó về lại Sài Gòn năm 1975. Năm 1978, Kho Lưu trữ trung ương II tiếp nhận bàn giao để thực hiện công tác bảo tồn. Từ năm 1991, Châu bản được đưa về lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Di sản tư liệu của Châu bản triều Nguyễn đã được chứng thực giá trị cả về mặt nội dung và lịch sử. Tạp chí Heritage tin rằng khối tư liệu quý này sẽ góp phần làm phong phú thêm kho di sản của Việt Nam và thế giới.

Bài viết liên quan: