Đăng Tiêu

Trong căn hộ tập thể chật cứng vì tranh, họa sĩ Kim Thái ngồi bình thản như một bức tượng, vừa dịu dàng thanh tao, vừa trìu mến ấm áp. Bà nói với tôi: “Xung quanh đều là tranh tượng, tôi giờ chỉ biết sống cùng chúng, vui cùng chúng”.

Họa sĩ Kim Thái

  • Họa sĩ Kim Thái sinh năm 1943 tại Bắc Ninh. Bà tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật năm 1972 chuyên ngành sơn dầu. Bà là vợ của Điêu khắc gia Lê Công Thành và là người đã có đóng góp lớn cho sự nghiệp sáng tác và thành công của chồng.

Chồng bà, nhà điêu khắc Lê Công Thành, đã mất. Sự trống vắng vì thiếu ông đã được bà cố gắng lấp đầy bằng việc sáng tạo nghệ thuật, thứ mà cả đời bà say mê và ở khía cạnh nào đấy bà đã từng lặng thầm giữ nó cho riêng mình để trọn vẹn vun vén và hậu thuẫn cho sự nghiệp của chồng. Ông Thành từng nói với bà: “Trên tấm toan vuông, tranh cần đạt sự hài hòa tổng thể”. Ông chính là người thầy lớn của bà. Một người bạn họa sĩ khác cũng từng nói: “Thái ạ, tranh là phải có một diện tích đẹp”. Họa sĩ Kim Thái luôn nhớ những lời nhắc nhở này. Bà hiểu rằng, một bức tranh đẹp phải là một bức tranh tạo ra sự hài hòa về bố cục, đường nét, màu sắc trên bề mặt thực của nó, cái mà Lê Công Thành gọi là “tấm toan vuông” và người bạn họa sĩ kia gọi là “một diện tích”. Những bài học như vậy luôn được ghi nhớ trong ký ức của Kim Thái.

Từng vẽ nhiều đề tài trên các loại chất liệu như sơn dầu, bột màu, lụa, nhưng Kim Thái dành cho đề tài phụ nữ một đam mê bất tận. Bà vẽ họ, phần lớn là với một cơ thể trần trụi. Đây là người đàn bà đang cho con bú, kia là cô gái có cơ thể đẫy đà đang trong cơn say ái tình, kia nữa người đàn bà đang chải tóc, gội đầu, đang tắm, đang ngồi bên con chó con mèo… Họa sĩ Kim Thái thường đặt họ vào trong các bối cảnh sinh hoạt đời thường. Khi tôi hỏi nguồn cơn nào cho những người đàn bà thô mộc mà hấp dẫn đến vậy xuất hiện nhiều trong hội họa Kim Thái, nữ họa sĩ mỉm cười: “Em Tuyết”. Hóa ra, người phụ nữ tên Tuyết là khởi nguồn cho việc sáng tạo những bức tranh khỏa thân này. Là một trong những mẫu nude ở trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày trước, Tuyết được họa sĩ Kim Thái chú ý vì có cơ thể cao to, thô mộc, chất phác. Vẻ đẹp của Tuyết không phải là vẻ đẹp mĩ miều đài các kiêu sa. Với họa sĩ, chẳng có một định nghĩa cứng nhắc nào về cái đẹp. Bà nói: “Cái đẹp chỉ có thể toát lên một cách tự nhiên từ cá tính, bản sắc riêng của mỗi một con người, và tôi thực sự say mê cái chất riêng ấy”.

Tranh Kim Thái không chú trọng tả khối, thậm chí bà đã giản lược tả khối, vờn nét để tôn vinh bố cục và sự hài hòa của màu sắc. Khi vẽ phụ nữ khỏa thân, bà dường như khước từ việc mô tả cụ thể cơ bắp. Đường cong, sự chuyển động của hình thể được diễn tả qua tư thế mẫu, được làm nổi bật trên cái nền hoặc tĩnh lặng hoặc có sự tham gia của các dải hay vệt màu khác lạ. Tất cả tạo ra tính khái quát cao cho hình tượng chính. Và người xem có cảm giác tranh bà thật phóng khoáng nhẹ nhõm, thật dịu dàng trong veo.

  • Bộ tranh “Em Tuyết” gồm 60 bức tranh vẽ về 4 đề tài: Em Tuyết, Tình yêu, Mẹ bồng con và Thiếu nữ, được chọn lọc từ gần 500 bức tranh mà họa sĩ Kim Thái đã dành cả đời để sáng tác, được trưng bày trong một không gian nghệ thuật tại HAKIO – Let’s Art, 38 Trần Cao Vân, P.Võ Thị Sáu, Q.3, Tp. HCM, từ nay đến 02/4/2023.

Và có lẽ để đạt được sự phóng khoáng nhẹ nhõm dịu dàng trong veo ấy, họa sĩ Kim Thái đã cả đời mải miết truy tìm cái tự thân và cái hiện hữu. Bởi chỉ khi chạm đến bản thể con người, chạm đến sự hoang sơ bản nguyên, chúng ta mới có thể tạo ra và thưởng thức những tác phẩm đẹp đẽ và nhẹ bẫng như thế.

Điều này cũng đúng với quan niệm nghệ thuật của nữ họa sĩ chia sẻ: “Làm nghệ thuật là trách nhiệm của nghệ sĩ, nhưng trên hết là niềm vui. Nghệ thuật đã cứu rỗi tôi, mang lại cho tôi niềm hân hoan vô tận”. Bà cũng kể rằng, lúc hạnh phúc nhất là lúc phác hình lên tranh, lúc công việc bắt đầu và còn dang dở. Đó là khi bà một lần nữa được sống cùng những “em Tuyết”, được tụng ca vẻ đẹp của họ. Một “em Tuyết” cùng bà thấp thoáng đời nhau và ám ảnh mãi mãi.