Bài: LIÊU CHƯỞNG
Ảnh: INTERNET
Là một Gen Z hoạt động trong lĩnh vực thời trang, thường xuyên tiếp xúc với các thương hiệu quốc tế, tác giả muốn mang lại cái nhìn bao quát về những “đứa trẻ thế hệ Z” trong thế giới xa xỉ này.
Mỗi sáng tỉnh dậy, một câu hỏi thường trực trong đầu tôi: “Mình nên xây dựng kênh TikTok thời trang thế nào?” Tôi vừa nghĩ, vừa cố gắng tìm ý tưởng khắp mọi nơi để sáng tạo nội dung mới. Vì mặc đẹp, review đồ hiệu, diễn giải kiến thức là chưa đủ. Ở thế hệ Z, những điều ấy là lẽ thường, bởi khi mới là thanh thiếu niên, chúng tôi đã có thể sở hữu một món thời trang, trau dồi kiến thức hay phát triển phong cách qua mạng xã hội. Chúng tôi sẵn sàng xoay chuyển cục diện thời trang, bằng những góc nhìn và giá trị mà mình tin tưởng.
Chúng tôi sinh ra trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của Facebook và Instagram, lớn lên vào thời kỳ bùng nổ của TikTok và đang đón đầu sự ảnh hưởng của AI (trí tuệ nhân tạo). Chúng tôi xem, ăn và ngủ với những xu hướng mới được tạo ra mỗi ngày. Chính vì thế, giới trẻ đòi hỏi rất nhiều sự đổi mới trong thời trang, lĩnh vực giải trí được quan tâm hàng đầu của Gen Z, có khi hơn cả âm nhạc, phim ảnh hay trò chơi điện tử.
Không phải hiển nhiên mà trong đầu năm 2023, có đến 7 ngôi sao K-Pop được các thương hiệu thời trang xa xỉ toàn cầu bổ nhiệm vị trí đại sứ thương hiệu, trong đó có nhiều nghệ sĩ chỉ vừa xấp xỉ tuổi đôi mươi. Hay như Gucci cho phát hành game trên nền tảng thực tế ảo, còn Louis Vuitton lại tài trợ cho tựa game Liên Minh Huyền Thoại và giải đấu bóng rổ NBA. Vì đó chính là những thứ mà giới trẻ quan tâm nhiều nhất: xu hướng mới, sự tươi trẻ, tinh thần phá cách và phóng khoáng đến mức quái dị. Không chỉ vậy, nhiều show diễn thời trang của các thương hiệu cao cấp quốc tế cũng phát trực tiếp (livestream) trên Instagram và TikTok từ năm 2019 đến nay, để dễ dàng tiếp cận rộng rãi người xem nằm trong lứa tuổi từ 12 đến 25.
ĐẶT RA THUẬT NGỮ MỚI
Không chỉ mưu cầu cao trong việc chạy theo xu hướng, thế hệ Z còn mang một thế giới quan khác biệt về thời trang. Nếu trước đây, phong cách thời trang luôn được phân chia rạch ròi và “quy định” bởi nhiều nhà mốt hay những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn, thì giờ đây, thế giới thời trang định nghĩa mọi thứ theo cách mới, theo góc nhìn riêng của thế hệ Z. Lần đầu tiên, cộng đồng thời trang “sản sinh” ra những cụm từ như “e-boy & e-girl” (nam & nữ phá cách trên internet), “softboy” (chàng trai dịu dàng), “barbie-core” (phong cách búp bê), “normcore” (phong cách không phô trương), “business-core” (công sở), “gorpcore” (cảm hứng dã ngoại), “blokecore” (cảm hứng đồng phục thể thao) hay “old money” (trâm anh thế phiệt).
Tất nhiên, việc thay đổi toàn bộ cách gọi tên của những thứ có sẵn khiến Gen Z bị xem là ngông cuồng, nông nổi và hỗn loạn. Tuy nhiên, chính sự lan truyền mạnh mẽ những từ lóng mới, khiến nó gần như trở thành một nhóm từ ngữ cho các tạp chí thời trang toàn cầu. Thậm chí, Vogue còn có cho mình một bài viết riêng để giải thích cụm từ “softboy” như một phong cách thời trang mới. Các cụm từ với hậu tố “-core” thường xuyên được sử dụng nhằm đề cập đến những lối ăn mặc mang tính xu thời. Riêng với “e-boy” và “e-girl”, hình ảnh thời trang gắn liền với hai cụm từ này đã tạo sức ảnh hưởng trong năm 2019-2020 mạnh mẽ đến mức, nó trở thành nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập Xuân-Hè 2021 mang tên Dancing Kids của CELINE.
MƯU CẦU KẾT NỐI
Thế hệ Z là thế hệ có sự mưu cầu cao độ trong việc kết nối giá trị thương hiệu với bản thân. Có lẽ, vì được sinh ra trong một thời đại ngày càng cảnh giác với những vấn đề xã hội, hay đọc không ít bài viết nói về tác hại khôn lường đến môi trường của thời trang, chúng tôi không tìm đến thời trang như một nhu cầu làm đẹp thông thường. Nó là lời tuyên bố cho giá trị sống: quyền làm chủ cơ thể, linh hoạt và bình đẳng giới, nói không với đạo nhái, loại bỏ sự phân biệt chủng tộc, và cấp thiết của tính bền vững hay bài trừ việc chiếm đoạt văn hóa. Nếu như thương hiệu không thể đáp ứng đúng giá trị mà thế hệ Z theo đuổi, họ có thể bị ngó lơ, thậm chí là tẩy chay ngay lập tức.
Thế hệ Z khác biệt, “khó chiều” đến vậy, thế nhưng vì sao không ít các thương hiệu thời trang xa xỉ vẫn tìm mọi cách để thu hút sự quan tâm của Gen Z? Vì điều cuối cùng, đó là thế hệ Z chi tiêu rất mạnh vào thời trang. Theo một nghiên cứu từ công ty Bain & Co., người tiêu dùng thế hệ Z bắt đầu mua đồ xa xỉ, từ túi xách, giày, đồng hồ, trang sức, quần áo ở tuổi 15, sớm hơn 3 năm so với thế hệ Y. Và chắc chắn, mức độ chi tiêu của những bạn trẻ này sẽ còn mạnh mẽ hơn trong khoảng 5-10 năm nữa. Riêng ở Hoa Kỳ, tính đến tháng 10/2022, khách hàng từ độ tuổi 12-25 sở hữu sức chi tiêu lên đến 360 tỷ USD. Có thể ở Việt Nam, điều kiện kinh tế khác biệt khiến tôi hay nhiều người chưa cảm nhận rõ rệt được điều này, nhưng ở các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu, sức ảnh hưởng về kinh tế lên ngành hàng cao cấp của thế hệ Z là hiển nhiên.
Một điều chắc chắn là kể từ khi Gen Z xuất hiện, thế giới thời trang xa xỉ đã thay đổi rất nhiều. Nhưng điều quan trọng hơn ngay bây giờ, là tôi nên xây dựng kênh TikTok thời trang của mình như thế nào cho mới mẻ đây!?