Bài: Huỳnh Phương
Ảnh: Tuấn Nguyễn, Quỷ Cốc Tử, Nguyễn Thanh Cường

Tây Ninh ngày nay chuyển mình, đầy sắc màu trên bản đồ du lịch miền Đông Nam Bộ, trong đó có loại hình du lịch sinh thái, hòa mình với thiên nhiên. Những điểm đến dưới đây chắc chắn sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ.  

Hồ Dầu Tiếng

Đêm hè gió mát trăng thanh

Mùa hè là thời điểm lý tưởng để cùng bạn bè tạm xa phố thị về tận hưởng không khí trong lành tại hồ Dầu Tiếng, cách thành phố Tây Ninh khoảng 25km. Đây là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, đồng thời được mệnh danh là “vịnh không sóng” của Tây Ninh, với mặt hồ nước xanh biêng biếc, điểm xuyết thuyền câu lặng lẽ trôi. Ven hồ là những thảm cỏ xanh trải dài, xa xa là các ốc đảo trù phú, đàn trâu, đàn chim đi kiếm ăn và cánh đồng hoa súng nở rộ. “Đêm hè gió mát trăng thanh” bên hồ Dầu Tiếng thích hợp cho du khách cắm trại, lắng đọng trước bản nhạc đồng quê của côn trùng và ngắm khoảnh khắc bình minh, hoàng hôn lãng mạn trên hồ.

Hoàng hôn trên cánh đồng thôn Gò Duối

Cội trâm cô đơn

Du khách đến thôn Gò Duối, xã Long Thành Nam thuộc thị xã Hòa Thành dễ dàng nhìn thấy cội trâm cô đơn, cây đứng một mình trơ lá giữa cánh đồng lúa bao la. Cảnh vật xung quanh cây trâm già đầy chất thơ, mang vẻ đẹp khác lạ vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Cây trâm này không lẻ loi, hiu quạnh mà trở thành chủ thể nổi tiếng được các nhiếp ảnh gia tìm về sáng tác, đồng thời là địa điểm thu hút check in của các bạn trẻ. Còn đối với người bản địa, dù không rõ cây trâm già này bao nhiêu năm tuổi nhưng tôn kính nó là “cây già làng” – hình ảnh thân quen mỗi khi ra đồng.

Cây nắp ấm Thorel mọc ở sâu trong rừng

Bất ngờ với cây di sản, cây ăn thịt

Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, cách thành phố Tây Ninh khoảng 35km từ lâu trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn với du khách do hội tụ đa dạng địa hình, sinh cảnh từ vùng đồi thấp, bàu, trảng cỏ cho đến rừng khộp, sông tự nhiên. Sau khi phóng tầm mắt cảnh quan xung quanh từ đài quan sát, du khách có thể cắm trại bên suối Đa Ha, băng đồng bằng xe đạp, khám phá trảng Tà Nốt phủ đầy cỏ năng, lác và phiêu du bằng thuyền theo dòng chảy Vàm Cỏ Đông uốn lượn ngược lên hướng thượng nguồn, nơi biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia. Trên hành trình đường sông, du khách mặc sức hít hà hương đồng gió nội, ngắm các ao sen, súng, đầm rau nhút, hoa dại, lan rừng và lắng nghe chim muông ríu rít. Trong hệ sinh thái động thực vật đa dạng, phong phú, điểm nhấn ở đây là cây gấm cổ thụ hàng trăm năm tuổi như “tuyệt tác của thiên nhiên”, hay cây di sản Việt Nam khổng lồ được công nhận năm 2016 trên 200 năm tuổi: cây Vên vên có đường kính 2m và cây Dầu rái có đường kính 2,2m được. Bất ngờ hơn khi vào sâu trong rừng, du khách sẽ tận mắt thấy được cây ăn thịt, còn gọi cây nắp ấm Thorel và cuốn theo chuyện kể kỳ thú về loài cây có lá phát triển tạo thành hình ấm để bắt côn trùng.

Vườn nho ở huyện Dương Minh Châu

Nức tiếng mãng cầu Bà Đen, nho rừng Tây Ninh

Du khách thường mang về làm quà những đặc sản của Tây Ninh như muối ớt Tây Ninh hay bánh tráng Trảng Bàng, còn đối với cây ăn trái nức tiếng vang xa, xuất khẩu là mãng cầu (na) Bà Đen, địa danh gắn liền với điểm du lịch nổi tiếng núi Bà Đen cao 986m, “nóc nhà” của vùng Đông Nam Bộ. Loại mãng cầu dai này có đặc trưng là quả to, nhiều thịt, ít hạt, vỏ mỏng, vị thơm ngon. Du khách nào muốn tận hưởng hương vị trái cây rừng thì có thể lang thang tại các vườn nho rừng ở huyện Dương Minh Châu. Các nhà vườn đã thuần dưỡng thành công giống nho rừng với hàng nghìn gốc trĩu trịt trái. Không có gì thú vị hơn khi tận tay cắt từng chùm nho chín mọng màu đen sậm, nặng khoảng 2kg. Nho chín có vị ngọt, chát nhẹ, rất khác so với nho thường và dư âm sẽ còn đọng lại trong lòng lữ khách sau khi thưởng thức nước cốt nho rừng.