Trương Quý

Ngày Tết mở đầu một năm mới, vì thế trong tâm lý cộng đồng người Việt từ xưa vốn đề cao tầm quan trọng của những những việc khởi sự đầu năm: khai bút đầu xuân để lấy đà cho con đường học vấn, làm lễ Tịch điền (xuống ruộng) để mong mùa màng bội thu, mở hàng vào ngày đẹp để buôn bán thuận lợi cả năm. Ở thành phố, nơi tập trung các cửa hiệu hay quán xá, đối với tầng lớp thị dân, mở hàng đầu năm là một việc đã trở thành cái nếp.

Một nghi thức tâm lý

Người Việt trước đây chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông xem trọng quy luật chuyển động của Mặt Trăng và các hành tinh, các tiết khí, vì thế họ hình thành một số quan niệm về ngày tốt hay ngày xấu theo lịch âm. Đối với những ngày đầu năm thì vấn đề chọn ngày càng trở nên quan trọng bởi tư duy “Đầu xuôi đuôi lọt” cho rằng, mọi việc khởi sự hanh thông thì các bước tiếp theo sẽ thuận lợi. Vì thế việc mở hàng năm mới ngày nào thường thuận theo số đông khi người ta cho rằng từng năm có một số ngày “Hoàng đạo” để bắt đầu ngày làm việc mới của năm âm lịch. Ngày Hoàng đạo liên quan đến vị trí một số ngôi sao theo chiêm tinh học phương Đông cho rằng giúp cho một số mục đích công việc thuận lợi. Ngoài ra người ta còn xét đến khả năng “hợp” của con giáp theo tuổi người chủ với con giáp của năm ấy.

Chọn được ngày đẹp để mở hàng tuy vậy lại dễ hơn so với việc chọn “người mở hàng”, tức là khách mua đầu tiên của năm mới. Đây dĩ nhiên chỉ là một việc mang tính hình thức, song nhiều người chủ hàng lại tin rằng sự “nhẹ vía” và cái duyên của người khách đầu tiên mang ý nghĩa tâm linh cho công việc làm ăn cả năm. Tuy nhiên, xét cho cùng, cửa hàng nào đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình thì những dữ liệu trên cũng chỉ là tham khảo.

Mở hàng đầu năm là một trong những hoạt động sống gắn liền với dịp Tết cổ truyền. Thuộc về kho tập tục văn hóa của người Việt, mở hàng phản ánh ý nghĩa tinh thần góp phần tạo nên sự kết nối cộng đồng. Những người mua hàng cũng chẳng ai xa lạ, chính là những người sống cùng cộng đồng. Khi mở hàng, ai nấy đều mong đợi sự suôn sẻ mua bán mang lại niềm vui đầu năm. Những lời đầu tiên của người mua kẻ bán cũng thể hiện văn hóa giao tiếp, chẳng hạn như: “Năm mới chúc bác làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt, tiền vào như nước”. Ước vọng thịnh vượng nằm ở hành vi giao tiếp mang tính nghi thức.

Món ngon nhớ lâu

Về phía khách hàng, đi mua hàng năm mới cũng hứa hẹn một niềm vui. Những ngày này, người ta tiêu xài thoải mái hơn sau một năm đã tích lũy một món tiền tiêu Tết. Ngày xuân, sau khi đã chán các món cỗ cổ truyền, mọi người thích ra phố, vào các quán mới mở hàng bởi lẽ những người chủ hàng cũng cố gắng dành sự quan tâm chăm chút đến món ăn của bản hiệu. Cả đôi bên đều ý thức mình đang tạo ra một cuộc giao lưu ẩm thực mang tính trang trọng hơn mọi ngày trong năm. Đặc biệt lúc này, những quán bún ốc, bún cá rô đồng và phở, những thứ mà người thích ăn quà trong năm đã phải nhịn hơn một tuần từ trước Tết, cũng là những món không có trên mâm cỗ Tết, thật đắt hàng.

Những trục đường hành hương đầu năm tới các đền, phủ, chùa như phủ Tây Hồ, chùa Hương (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), phủ Giầy (Nam Định), thường là các địa điểm tín ngưỡng đạo Mẫu…, đồng thời cũng là những nơi nổi danh về ẩm thực ngày Tết và có nhiều quán hàng được mở ra phục vụ thực khách. Quanh phủ Tây Hồ là những hàng bún ốc và bánh tôm, những thức quà đặc sản của Hà Nội, đã tạo ra một nếp vui của người đi lễ ra về thưởng thức trong tiết trời se lạnh của miền Bắc. Những hàng phở mở sớm đầu năm luôn đắt hàng bởi ai nấy đều muốn nếm hương vị truyền thống Hà Nội sau khi đã “mệt mỏi” với bánh chưng, giò chả, thịt gà, nem rán, những thứ hầu như nhà nào cũng có. Người ta tin ăn được một món quà ngon đầu năm mới cũng may mắn như mở hàng ngày đẹp vậy.

Một trong những huyền thoại về “mở hàng may mắn đầu năm” là hành hương về đền Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ (Vũ Ninh, Bắc Ninh). Bà Chúa Kho tương truyền là một phụ nữ cai quản kho lương thời Lý trong cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1077. Sau khi hy sinh, Bà được phong vào hàng Phúc Thần, tạo nên một tín ngưỡng về một vị thần chuyên giúp đỡ dân chúng về đường của cải, nhất là người làm ăn buôn bán. Ngôi đền thờ Bà trở thành nơi người dân tới cầu khấn với tục lệ “đầu năm vay Bà, cuối năm trả nợ”. Điều cộng đồng gửi gắm qua tục lệ này là một niềm tin hòa trộn giữa khát vọng thịnh vượng và tinh thần ái quốc truyền qua nhiều thế hệ.

Việc “mở hàng” mang tính tượng trưng cho một tư duy lạc quan sống động của người Việt, những người luôn ý thức gắn cuộc sống của mình với sự thịnh vượng chung của xã hội. Ở thời hiện đại, nó gợi ý một nét bản sắc thú vị của xã hội Việt Nam, một cộng đồng cuồn cuộn năng lượng phát triển song vẫn bảo lưu những giá trị độc đáo của riêng mình.