Trương Quý
Các bảo tàng lịch sử Đông Nam Á chính là những mảnh khảm trai của một bức tranh lớn. Các bảo tàng này thường không quá đồ sộ, song khi kết hợp thành một hệ thống, chúng tạo ra một bức tranh kỳ vĩ về một vùng văn hóa đặc sắc của thế giới, một ngã tư đường của lịch sử nhân loại.
Những bảo tàng lịch sử tọa lạc ở các thành phố Đông Nam Á không chỉ trưng bày các di sản vật thể của địa phương, quốc gia mà còn cho thấy sự giao thoa văn hóa khu vực đã có từ nhiều thiên niên kỷ. Ở những không gian này, người ta tận mắt thấy được các bộ sưu tập từ các tàu buôn được trục vớt, các hiện vật như trống đồng, nhà sàn, món ăn, gia vị, đồ dệt, đồng tiền, gốm sứ…, những thứ có thể dùng để gọi tên một nền văn hóa lớn đã có sự giao thoa sâu sắc.
Sức hấp dẫn của bảo vật
Nếu Thái Lan dành một phần Hoàng cung làm nơi giới thiệu nhiều thông tin lịch sử đất nước mình thì Indonesia và Singapore lại hiện đại hóa các tòa nhà có kiến trúc thời thuộc địa để làm nơi kết nối với quá khứ. Có thể thấy, các bảo tàng lịch sử quốc gia này đã nỗ lực tạo ra một địa điểm hấp dẫn công chúng với nhiều hiện vật thú vị trong một tòa nhà đẹp, nằm tại lõi xanh của đô thị.
Bảo tàng Quốc gia Indonesia kết hợp các dãy nhà có lối vào theo kiến trúc cổ điển với hàng cột mang thức Doric gợi nhớ vẻ uy nghi của đền Parthenon ở Hy Lạp. Bảo tàng này cũng dành hẳn một dãy nhà trưng bày cho các hiện vật gốm sứ châu Á, trong đó có bộ sưu tập đồ gốm Việt Nam, được truyền tụng là loại phong phú nhất bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tại đây, người xem cũng gặp những motip di sản vật thể phản ánh sự lan tỏa rộng khắp của các nền văn hóa cổ xưa như trống đồng, nhà sàn, vốn phổ biến trong nền văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn qua các di chỉ khảo cổ ở Việt Nam.
Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay Bảo tàng Văn hóa Chăm ở Đà Nẵng thụ hưởng những nghiên cứu và phong cách trưng bày của các chuyên gia hàng đầu của Trường Viễn Đông Bác Cổ, tạo ra ấn tượng về dải đất ven biển Đông như một Đông Nam Á thu nhỏ. Tại Hà Nội, người xem có thể trải nghiệm chiều dài lịch sử người Việt qua hệ thống hiện vật quý giá tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia. Các hiện vật của Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng hay Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh lưu giữ những hiện vật quan trọng của các nền văn hóa rất sớm trong khu vực như Phù Nam hay Chăm Pa.
Nằm trong phạm vi lan truyền của nền văn minh trên bán đảo Tiểu Ấn, các bộ sưu tập điêu khắc và mỹ nghệ phong cách Bà la môn và Hindu đem lại một khối lượng hiện vật đồ sộ tại các bảo tàng lịch sử quốc gia. Nổi bật nhất trong số những bộ sưu tập này phải kể đến Bảo tàng Quốc gia Campuchia. Bản thân kiến trúc tòa nhà đã là một mô hình ngôi đền Khmer, khánh thành năm 1920, quy tụ một bộ sưu tập các bức tượng kỳ vĩ nhất của một nền văn minh ảnh hưởng pha trộn từ Ấn Độ giáo và Phật giáo, trải rộng từ khu vực Thái Lan, Nam Lào, Campuchia cho đến Chăm Pa và Chân Lạp ở Việt Nam ngày nay.
Những chuyến hải hành trên cạn
Đông Nam Á là một vùng văn hóa đặc biệt của thế giới nhờ sự giao thoa giữa văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, sự qua lại giữa văn hóa Ả Rập từ Trung Đông, văn hóa các nước phương Tây trong thời thuộc địa và các nền văn hóa miền Viễn Đông. Sự phức hợp nhiều màu sắc cho đời sống xã hội các nước khu vực này làm nên sự cân đối thú vị cho các nội dung trưng bày tại các bảo tàng lịch sử, dù là ở Hà Nội, Phnom Pênh hay Jakarta. Có thể nói, thăm viếng những bảo tàng này tựa như bước lên một chuyến hải hành qua những bến cảng thời gian.
Bảo tàng Quốc gia Singapore nằm trong tòa nhà toàn quyền cũ, thổi vào đó một nội dung đầy lôi cuốn của sự tương tác và công nghệ nội dung tiên tiến. Bảo tàng cất lên tiếng nói duyên dáng của một quốc gia mới có tuổi đời hơn nửa thế kỷ song hội tụ các chồng lớp văn hóa lâu đời, cũng như lưu tâm đến sự đa dạng của từng phân mảnh bản sắc tại ngã tư giao thương quốc tế. Bên cạnh Bảo tàng Quốc gia có kiến trúc hiện đại, Myanmar cũng sử dụng tòa nhà hành chính cũ The Secretariat mang phong cách kiến trúc Victoria có từ năm 1902 tại Yangon làm nơi trưng bày các hình ảnh di sản của thành phố cảng lớn nhất bờ Tây bán đảo Trung Ấn.
Các quốc gia dọc vùng biển và các quần đảo Đông Nam Á dành nhiều không gian cho những hiện vật tái hiện những chuyến hải hành của các vị thương nhân và di dân những thế kỷ trước. Bảo tàng Quốc gia và Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo cùng ở Kuala Lumpur (Malaysia) là hai mảnh ghép hoàn hảo cho sự phong phú của nền văn hóa phía nam bán đảo Trung Ấn. Bên cạnh đồ mỹ nghệ của người Ả Rập là vải lụa người Ấn và gốm sứ Trung Hoa. Trong khi đó, trung tâm phố cổ Malacca là tập hợp các bảo tàng nhỏ khắc họa sinh động sự hình thành của hải cảng nổi tiếng bậc nhất vùng Đông Nam Á xa xưa, tái hiện con đường giao thương trên biển từ đầu thế kỷ 15, như một ngã tư đường kết nối Đông Tây, từ Trung Đông sang Viễn Đông, từ Ấn Độ sang Trung Quốc và từ Âu sang Á. Ghé thăm những bảo tàng này, người ta sẽ hiểu vì sao nhiều thế kỷ trước, những người phương Tây đã mê say các miền duyên hải, các khu rừng độc đáo và những “quần đảo gia vị” của các xứ sở Đông Nam Á. Chúng đã trở thành một biểu tượng về màu sắc và hương thơm, nắng ấm và quả ngọt.
Dạo bước qua những bảo tàng lịch sử của các thành phố Đông Nam Á, người xem thấy cả một sự đan quyện của những không gian văn hóa đã cùng tạo dựng nên đời sống của hàng trăm triệu người suốt vài thiên niên kỷ. Tựa như những bàn tiệc nhiều hương vị của cư dân khu vực, mỗi bảo tàng là một gia vị làm nên ký ức dậy hương của nhân loại.