Bài: TINA DO

Chất liệu thổ cẩm là một tinh hoa văn hóa của dân tộc, một nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các nhà thiết kế thời trang Việt.

BST Sắc Núi của Chula, đăng trên Heritage Fashion tháng 4/2019.

Nhắc tới những người tiên phong trong lĩnh vực khai thác và nâng tầm thổ cẩm trong thiết kế thời trang, đầu tiên phải kể tới nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh, người giữ vị trí “cây đa cây đề” trong làng thời trang Việt. Sinh ra tại phố núi Pleiku (Gia Lai), chị đã sớm làm quen với những dải thổ cẩm trên trang phục của đồng bào Tây Nguyên. NTK Minh Hạnh không chỉ giữ vai trò thủ lĩnh trong giới làm nghề, mà còn luôn ý thức về việc quảng bá giá trị văn hóa dân tộc trong các thiết kế thời trang để mang ra thế giới. Những mẫu áo dài của chị là những “sứ giả văn hóa”, mang sự duyên dáng, cùng nét đẹp thổ cẩm của các dân tộc thiểu số Việt Nam giới thiệu và quảng bá với bạn bè ở khắp năm châu. NTK Minh Hạnh nhiều năm nay là đối tác thân thiết của HTX Dệt Zèng – thổ cẩm thị trấn A Lưới (Thừa Thiên Huế). Chị là “bà đỡ” chắp cánh cho thổ cẩm Tà Ôi khoe sắc trên các sàn diễn tại các sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế. Trong dịp Festival nghề truyền thống Huế năm 2015, lần đầu tiên bộ sưu tập (BST) thời trang may bằng vải zèng của người Tà Ôi đã được trình diễn. Năm 2016, nhân sự kiện ra mắt Dự án “Ngôi nhà Việt trên đất Pháp”, nhà thiết kế Minh Hạnh đã mang sang Pháp bộ sưu tập thời trang mang tên Hơi thở từ núi rừng Việt Nam do chị thiết kế trên nền vải của hai dân tộc Tà Ôi (A Lưới, Thừa Thiên Huế) và H’Mông (Hà Giang). Nhân dịp này, chị còn mời các nghệ nhân người dân tộc cùng đến Pháp trình diễn tay nghề trên những khung dệt thô sơ truyền thống.

BST Sắc Núi của Chula, đăng trên Heritage Fashion tháng 4/2019.

Nối tiếp thế hệ, NTK Phạm Ngọc Anh của thương hiệu thời trang La Phạm cũng dành tình cảm lớn cho thổ cẩm. Cô nói: “Nếu như chỉ được sử dụng một tính từ để miêu tả các miếng thổ cẩm, La Phạm sẽ chọn từ “unique” (duy nhất), bởi hoa văn giữa các miếng đều có sự khác biệt. Mỗi chi tiết thổ cẩm được làm ra bằng sự tỉ mỉ và kỳ công trong từng đường kim, mũi chỉ của các nghệ nhân. Vậy nên, thổ cẩm mang một vẻ đẹp tiềm ẩn, khi hòa quyện với hơi thở của thời đại sẽ tạo nên các thiết kế bền vững và mang vẻ thanh lịch, hiện đại”. La Phạm đã bắt đầu tình yêu với thổ cẩm cách đây 5 năm. Vì tình yêu ấy, mỗi năm La Phạm đều ra mắt một bộ sưu tập có sử dụng thổ cẩm. Trong khoảng thời gian đầu, ít người đón nhận hoặc dám thay đổi phong cách phối đồ, vì thế La Phạm vẫn luôn ấp ủ niềm khát vọng đưa thổ cẩm đến gần với người tiêu dùng hơn. NTK cho rằng có nhiều người thích thời trang thổ cẩm, nhưng thị trường chưa có nhiều sự lựa chọn cho thổ cẩm ứng dụng. La Phạm hy vọng có thể giúp thổ cẩm hiện diện trong thời trang hàng ngày, thông qua việc thiết kế những sản phẩm hiện đại và có tính ứng dụng cao. Năm 2021, La Phạm đã đồng hành với Empower Women Asia (EWA) đẩy mạnh truyền thông, thúc đẩy quá trình lan tỏa ứng dụng thổ cẩm trong thời trang, ở phạm vi quốc tế với 2 show thời trang đã được tổ chức trong năm 2022 tại Thụy Sĩ. Hiện nay La Phạm đang hợp tác với 3 tỉnh miền núi để hỗ trợ thiết kế các sản phẩm thời trang ứng dụng từ thổ cẩm, bao gồm Mai Châu với dân tộc Thái trắng, Pà Cò với dân tộc H’Mông (Hòa Bình) và làng Tả Van (Lào Cai) với dân tộc H’Mông và Dao đỏ. Trong tương lai gần còn có Đắk Nông với dân tộc Ê-đê, Bản Giốc (Cao Bằng) với người Tày và Nùng, Dền Thàng (Bát Xát, Lào Cai) của dân tộc H’Mông.

Các thiết kế ứng dụng thổ cẩm dân tộc của NTK La Phạm

Trong làng thời trang Việt còn có một thương hiệu đặc biệt của NTK người Tây Ban Nha nhưng đã gắn bó với Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua, cùng một tình yêu bền bỉ với thổ cẩm dân tộc. Đó chính là thời trang Chula Fashion House gắn với tên tuổi của cố NTK Diego Chula. Anh và gia đình đến Việt Nam từ năm 2004. Thương hiệu Chula kết hợp giữa chi tiết văn hóa dân tộc Việt Nam với nét hiện đại phương Tây, rất được giới sành thời trang ưa chuộng. Luôn gắn bó với bản sắc của quê hương thứ hai, Chula luôn mong muốn quảng bá cho các thiết kế thời trang mang đậm dấu ấn dân tộc trên các sàn diễn. Những BST ứng dụng thổ cẩm của Chula được trình diễn tại show thời trang “Hương rừng sắc núi” trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam năm 2020. Sau đó, anh được mời thực hiện BST Những mảnh ghép Việt Nam để trình diễn trong chương trình nghệ thuật “Dòng chảy bất tận – The Eternal Flow” tại Dubai. Đáng tiếc, NTK đã đột ngột qua đời vào tháng 10/2021, khi đó, anh mới hoàn tất bản vẽ các mẫu thiết kế. Vợ anh, chị Laura tiếp tục thực hiện nốt kế hoạch dang dở đó, BST này vẫn được giới thiệu tại Dubai, diễn ra vào Ngày quốc gia Việt Nam 30/12/2021.

Các thiết kế ứng dụng thổ cẩm dân tộc của NTK La Phạm

Mỗi NTK một tấm lòng, một hoài bão nhưng tất cả đều hướng tới một mong muốn cháy bỏng: tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc để mang thời trang Việt khẳng định bản sắc riêng trên sàn diễn thế giới.