Bài: Hữu Vi
Ảnh: Hải Thịnh, Minh Hoàng, Hoàng An, Phi Hùng, Thu Ba, Nguyễn Anh Tuấn

Việt Nam là cái nôi của văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Từ bao đời nay, đời sống của cộng đồng cư dân nơi đây luôn gắn chặt với sông nước, tạo nên những dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo. Hội đua thuyền, còn gọi là đua ghe hay bơi chải là sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc đã phát sinh, phát triển từ môi trường văn hóa sông nước đó. Bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam có sông lớn, sông nhánh, đầm hồ rộng hay ở ven biển đều có tục đua thuyền. Ngày hội đua tài này thường gắn liền với sự tích thờ Thần Nước và nghi lễ cầu nước, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu hoặc để tưởng niệm các anh hùng dân tộc giỏi về thủy chiến. Đây cũng là ngày hội vui chơi, là dịp rèn luyện kỹ năng chèo lái mang tinh thần thượng võ của cộng đồng.

Đua thuyền độc mộc ở Kon Tum

Hội đua thuyền truyền thống ở Việt Nam đã hình thành ít nhất từ văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm, mà bằng chứng là hầu hết các trống đồng, thạp đồng Đông Sơn đều trang trí hình thuyền. Nhiều thuyền như trên trống Sông Đà, Miếu Môn, Làng Vạc, Đồi Ro… rõ ràng là mô tả cảnh đua thuyền, bơi chải. Những chiếc thuyền độc mộc, thân hẹp, mũi cong, đuôi én, trên thuyền có nhiều người cùng chèo theo một nhịp, đầu đội mũ hay búi tóc, mặc quần áo ngày hội. Mỗi trống thường có 6 hình thuyền như vậy, bơi cùng một hướng, vòng quanh tang trống như trong cuộc đua không ngưng nghỉ. Bước vào thời độc lập tự chủ, sử cũ chép rằng vua Lê Đại Hành là người đầu tiên nâng đua thuyền thành quốc lễ. Theo đó, vào “Năm Thiên Phúc thứ 6 (985), gặp ngày sinh nhật, vua sai làm một ngọn núi giả đặt ở trên thuyền gọi là núi Nam Sơn, đem thả xuống sông rồi mở hội đua thuyền cho dân chúng thi. Từ đó, năm nào cũng mở hội đua thuyền”. Thời Lý (thế kỷ 11 – 13), hội đua thuyền đã thành lệ và là thú vui thường niên của vua quan, quân dân ở kinh thành. Các vua Lý cho xây những cung điện nguy nga như điện Hàm Quang, điện Linh Quang bên bờ sông Hồng để dùng trong những lúc đi chơi, vãn cảnh. Hàng năm, vào mùa thu, gặp lúc con nước lớn, nhà vua đều cho tổ chức hội đua thuyền tại đây để ngự xem cùng hoàng thân quốc thích và mở lễ yến tiệc mùa thu. Cũng có năm, hội đua thuyền được tổ chức ở cung Quảng Từ, là nơi ở của hoàng thái hậu. Các tay chèo đua được chọn và luyện tập trước hàng tháng. Họ là những người tinh nhuệ kỹ năng sông nước, giỏi bơi lặn. Càng về sau, tục đua thuyền càng trở thành sinh hoạt văn hóa phổ biến cả ở cung đình lẫn chốn dân gian. Những hoạt cảnh đua thuyền tưng bừng, náo nhiệt đã được chuyển tải lên các bức chạm khắc đình làng và trong ca dao, tục ngữ:

“Mồng chín có tiệc anh ơi,

Mồng mười hạ chải xuống bơi thờ Thần.

Chải bơi ra, ngọn cờ phe phẩy

 Chải bơi vào, cờ phất trống rung…”

Lễ hội cầu ngư ở Cát Bà

Ngày nay, hội đua thuyền thường diễn ra chủ yếu trong các dịp lễ, tết và trong các hội làng ở những vùng sông nước, hoặc là mang nội dung chính, hoặc là một tiết mục đặc sắc của hội. Giờ đua tài, những chiếc thuyền đua cùng xuất phát sau tiếng pháo lệnh, giữa tiếng trống chiêng râm ran giục giã, cùng tiếng reo hò dậy đất và âm vang sông nước làm cho cuộc đua đầy khí thế hào hùng như đoàn quân xuất trận hừng hực khí thế chiến thắng. Thuyền đua nào giữa chừng bị lật, khăn đội đầu tay chèo bị ướt đều bị loại. Những lễ hội đua thuyền nổi tiếng phải kể đến là Bạch Hạc (Phú Thọ), Dạng (Vĩnh Phúc), Đăm (Hà Nội), Keo Hành Thiện (Thái Bình), Cát Bà (Hải Phòng), Kiến Giang (Quảng Bình), Lý Sơn (Quảng Ngãi)… Khu vực Tây Bắc có hội đua thuyền đuôi én của người Thái. Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có hội đua thuyền độc mộc. Vào đến Nam bộ, ngoài hội đua thuyền của người Việt còn có hội đua ghe Ngo của người Khmer gắn với lễ hội Ok Om Bok nổi tiếng. Đặc biệt, từ lâu trong dân gian vẫn truyền tụng câu ca dao “Rau gác Hạc bơi, Hạc gác Me bơi, Me gác Đức Bác bơi, Đức Bác gác Dạng bơi” để diễn tả sự sôi động, tấp nập của lễ hội đua thuyền tại các địa phương dọc theo sông Hồng từ Việt Trì xuống Hà Nội.

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn

Do điều kiện sản xuất, môi trường tự nhiên, đời sống của từng địa phương, từng vùng khác nhau nên cách thức tổ chức, tục lệ, nghi thức đua mỗi nơi lại mang những nét riêng. Đường đua phổ biến dài vài km, nhưng cũng có nơi như Keo Hành Thiện lên tới hơn 40km. Thuyền đua đều là loại thuyền hình thoi dài hẹp nhưng nơi thì tạo hình rồng, nơi thì trang trí hình phượng. Việc phân biệt các thuyền đua được quy định bởi màu sắc tương ứng với màu sắc đồng phục tay chèo. Riêng ở hội bơi chải Đăm, có ba đội đua thì thuyền của mỗi đội lại trang trí một biểu tượng riêng là hình rồng, hạc và li. Về các thành viên của mỗi thuyền đua, ngoài ông Lệnh (chỉ huy), ông Nạng (chống đỡ), ông Cờ (phất tiến), ông Mõ (nhịp điệu), ông Lái (điều khiển)… thì số lượng tay chèo cũng mỗi nơi mỗi khác. Keo Hành Thiện mỗi thuyền có 10 tay chèo, Đăm là 18, Bạch Hạc 24, Dạng 36. Đặc biệt, ghe Ngo của người Khmer có sức trở tới 60 người ngồi chèo… Song dù với yêu cầu, mục đích gì, dù có khác nhau về nghi thức, hội đua thuyền vẫn là dịp biểu dương sức mạnh đồng đội, là một hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống thấm đẫm tinh thần thượng võ đem lại niềm tự hào cho cộng đồng.

Có thể nói, hội đua thuyền, bơi chải là mỹ tục có sức sống lâu bền và là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa ở Việt Nam, đặc biệt là cư dân các vùng sông nước. Lễ hội đã trở thành chỗ dựa tinh thần, là dịp khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, nêu cao tình cảm, ý thức cố kết cộng đồng làng xã, luyện kỹ năng chèo lái, bản lĩnh sông nước, tăng cường sức khỏe và lòng dũng cảm, đồng thời gửi gắm những khát vọng tốt đẹp trong cuộc sống của cộng đồng cư dân Việt Nam.